Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

BÀI CUỐI CÙNG VỤ LÊ THỦY ĐẠO VĂN

Ngày hôm nay báo Văn Nghệ trẻ số 26 sẽ phát hành tại Hà Nội, ngày chủ nhật hoặc cùng lắm thứ 2 sẽ có ở Dăk Nông. Theo nhà văn Phong Điệp xinh đẹp, trưởng ban biên tập (hì hì cũng là trưởng ban biên tập nhưng em Phong Điệp văn chương rờ rỡ nhé), thì số này chuyên sâu về... đạo văn, trong đó có bài này và bài phỏng vấn nhà văn Triệu Xuân liên quan đến Lê Thủy. Ôi, em Lê Thủy nủi tiếng quá...
Em Phong Điệp hẹn mình là trưa hẵng post bài này, nhưng mình vừa nhận điện thoại của nhà thơ Đàm Khánh Phương từ Hà Nội bảo anh và bạn bè vừa đọc bài của chú trên VNT, sao nó lại liều mạng và... ngu thế, huhu... thế tức là mình post được rồi và bài này đang... hot ở Hà Nội...
Sau bài này, cương quyết... nghỉ, đăng tản văn và thơ cho nó lành, hihi...



MỘT NỮ TÁC GIẢ ĐẠO VĂN LIÊN TỤC NHIỀU NĂM MỚI BỊ PHÁT HIỆN

          Trong tình hình các tác giả văn chương ở Đăk Nông hiếm hoi như sao buổi sớm thì việc mấy năm nay tỉnh này bỗng xuất hiện một cây bút rất chững chạc, văn chương sáng loáng, đọc rất sướng là một sự kiện. Độc giả ở tỉnh cao nguyên này rất mừng, thế là từ nay tỉnh nhà có một nhà văn xuất sắc, mà lại là nữ. Nhưng lạ một nỗi là tác giả này chỉ in ở tờ tạp chí do cô làm trưởng ban biên tập, xuất bản vài trăm bản mỗi kỳ, chủ yếu là biếu tặng loanh quanh mấy ban ngành trong tỉnh, chứ không thấy gửi tác phẩm ra cộng tác với các báo tạp chí tỉnh ngoài hoặc trung ương bao giờ. Một số người nghĩ là cô này khiêm tốn, lượng sức mình, mặc dù ai đọc cũng bảo truyện của cô có thể in được ở bất cứ tờ báo văn chương nào trong nước này, và tâm lý chung là ai thì cũng muốn tác phẩm của mình được in ở những tờ báo, tạp chí văn chương hàng đầu quốc gia, đặc biệt là các tác giả trẻ.
          Tờ tạp chí mà cô này làm trưởng ban biên tập là Tạp chí Nâm Nung của Hội Văn học Nghệ thuật Đăk Nông, và tác giả nữ đang nổi này là Lê Thủy.
          Suốt mấy năm như thế, cô vừa in ở tạp chí của cô vừa đưa vào bản thảo để nhận tài trợ sáng tác của hội VHNT Đăk Nông thì đùng một cái, vừa rồi có một bạn đọc tên là Lê Thắng ở tỉnh láng giềng Đăk Lăk phát hiện rằng, rất nhiều tác phẩm lâu nay mang tên cô này là sản phẩm... ăn cắp.
          Mà ăn cắp của ai, của toàn người nổi tiếng, thảo nào mà đọc cứ hay hay là, ấy là của Đỗ Tiến Thụy, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa ở Tạp chí Văn Nghệ quân đội, của Dương Bình Nguyên ở báo Công an nhân dân, của Hoài Hương ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hoàng Thanh Hương ở Gia Lai..., trong này có ít nhất ba người là Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.
          Thống kê sơ bộ như sau:
1, Truyện ngắn: Vết chân ngựa trên đường mòn của Đỗ Bích Thuý đăng trên Văn tuyển được hô biến thành  Vết chân trên đường mòn của Lê Thuỷ (đăng Tạp chí Nâm Nung 10/ 2010).
2, Miền đất hoa vàng của Dương Bình Nguyên thành Miền huyền thoại của Lê Thuỷ đăng Nâm Nung tháng 10/ 2008 và gửi xét quỹ hỗ trợ sáng tạo 2008.
3, Trong tim tôi có một vị tướng của Hoài Hương (t/c VNQD 6/2006) thành Một lần và mãi mãi của Lê Thuỷ (in Nâm Nung 4/ 2010).
4, Bóng Kơ nia đổ dài của Dương Bình Nguyên thành Bóng Kơ nia đổ dài của Lê Thuỷ (in Nâm Nung 8/ 2008).
5, Tiếng gọi lưng chừng dốc của Phạm Duy Nghĩa thành Tôi gọi tôi lưng chừng dốc của Lê Thuỷ in Nâm Nung và nhận hỗ trợ sáng tạo.
6, Mùa hoa Pơ lang cuối cùng của Hoàng Thanh Hương trong tập Lạc giữa lòng Mường thành Mùa hoa pơ lang rực đỏ của Lê Thuỷ (trong tập xét hỗ trợ sáng tạo 2010).
7, Người đàn bà đập áo trên sông Ba của Dương Bình Nguyên CAND thành Những người đàn bà đập áo trên sông Se-rê-pok của Lê Thuỷ (hỗ trợ sáng tạo 2008).
8, Ở nơi rừng thẳm của Đỗ Tiến Thuỵ thì được cẩn thận lấy từng đoạn lắp ghép thành Dưới bóng cây Kơ nia của Lê Thuỷ...
Đấy là mới thống kê sơ bộ vì chúng tôi không thể đọc hết những gì cô này đã in vì Lê Thủy chỉ là một trong nhiều bút danh của cô. Trong tay chúng tôi đang còn các truyện ngắn và tùy bút của Nguyễn Thư Tuệ Anh "Lũ núi", của Trần Ly Tài "Dấu phẩy", "Thằng bé trên non cao", "Nàng H'Bơ trinh"... (những bút danh khác của Lê Thủy)... cùng nhiều "tác phẩm" khác ký Lê Thủy, đều in trên tạp chí Nâm Nung, nhưng chưa có thời gian kiểm chứng.
Vấn đề là bạn đọc Lê Thắng đã phát hiện việc này và có thư gửi cho Hội Văn học Nghệ thuật Đăk Nông nhưng ông chủ tịch hội thì cho rằng đây là việc "phá hoại nội bộ" (Hội VHNT Đăk Nông đang mâu thuẫn nội bộ khá nặng, ông chủ tịch hội kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nâm Nung hiện giờ nguyên là Cán bộ của Đảng ủy khối dân chính Đảng được điều về) và nghi cho một cán bộ của hội đã nghỉ việc ở đấy làm việc này. Còn một cán bộ có trách nhiệm của ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đăk Nông thì nói: Đây mới là thư của bạn đọc, bao giờ có đơn của chính tác giả thì sẽ giải quyết. Tóm lại là không nơi nào giải quyết thẳng vào vấn đề mà chỉ loanh quanh...
Vậy Lê Thủy là ai?
Một bạn đọc ở Đăk Nông cung cấp cho chúng tôi, Lê Thủy tên thật là Võ Thị Lệ Thuỷ, sinh 1978, quê ở Quảng Nam, cùng gia đình lên sinh sống tại huyện Ea H’leo, Dak Lak. Học và đã tốt nghiệp đại học ngữ văn Đà Lạt, từng sinh sống ở TP.HCM, làm cộng tác viên cho mấy tờ báo nhưng không vào chính thức cơ quan nào cả. Năm 2004 khi thành lập tỉnh Dak Nông, Lê Thủy đã xin được về Ban Dân vận Tỉnh uỷ. Khi Hội VHNT Dak Nông thành lập sau khi tách ra từ Đăk Lăk thì việc đầu tiên là mở cuộc vận động sáng tác để phát triển hội viên, Lê Thuỷ nộp một số tản văn và truyện ngắn thấy rất hay, bèn được khuyến khích làm đơn và được kết nạp làm hội viên (chi hội văn học). Năm 2008, ông V từ Đảng ủy Khối dân chính Đảng về làm chủ tich Hội đã xin Thuỷ về làm Tạp chí và phong Trưởng ban biên tập. Từ đó xuất hiện nhiều truyện ngắn hay đăng liên tục làm giới văn nghệ Dak Nông xôn xao về tài năng mới nổi này.
Cách đây hơn tuần, một người quen của tôi có gọi điện cho cô Thủy hỏi cô về việc này, cô nói: Em không biết, những truyện ấy là của em viết, còn ai giống của em em không biết, ai nói gì kệ họ... Nhưng đến hôm 8/4 thì một nữ phóng viên báo Tiền Phong tại Đăk Lăk gọi điện lại cho Thủy. Lần thứ nhất cô này vẫn bảo đấy là truyện của mình, người ta bày ra để hãm hại. Nhưng khi được cho biết là trên bàn phóng viên đang có bản thảo gốc của tác giả thật để đối chiếu thì Thủy xin... 15 phút sau gọi lại. Và ở lần gọi lại sau này, Lê Thủy đã công nhận là mình đạo văn nhưng đưa ra ba lý do lãng xẹt là thấy thích quá là một, thứ hai là trước đây cô cũng đã từng sáng tác, từng được khen là một tài năng (!) nhưng giờ không viết được nữa nên..., và ba là xem có ai biết tạp chí Nâm Nung của em không?
Đấy là cô Lê Thủy tác giả?
Vấn đề tiếp theo là tại sao Người chịu trách nhiệm cao nhất của tạp chí là Tổng biên tập lại không biết?
Ông này thừa nhận là mình nguyên là bộ đội, rồi sang làm công tác Đảng rồi được điều qua lãnh đạo văn nghệ chứ có được học hành bằng cấp gì đâu. Thế nhưng ông vẫn cảnh báo: coi chừng bọn xấu nó lợi dụng phá hoại, chia rẽ hội!!!
Có hai giả thiết: Ông không biết thật là bởi ông chưa bao giờ đọc của ai, là bởi ông không quan tâm (hoặc không biết gì) đến văn chương chữ nghĩa. Và giả thiết thứ hai là có sự bao che.
Cho dù là giả thiết nào thì Tổng biên tập, và cao hơn là chủ tịch hội, với cương vị và trách nhiệm của mình cũng đều phải chịu trách nhiệm và phải xử lý ngay việc này. Bởi thứ nhất, cô Lê Thủy là trưởng ban biên tập một tạp chí văn nghệ của tỉnh, xảy ra việc này, không chỉ làm xấu hổ giới văn nghệ sĩ Dăk Nông mà còn xấu hổ cho cả tỉnh Đăk Nông vốn dĩ rất ưu ái văn nghệ. Thứ hai, rõ ràng là cô thủy đã chiếm đoạt tiền không phải của mình. Tiền Nhuận bút phải được trả về cho các tác giả thực của nó. Tiền tài trợ phải được thu hồi trả lại cho ngân sách. Và cuối cùng, tất nhiên một người như thế không thể tiếp tục làm ở cơ quan văn nghệ nữa. Việc cuối cùng này là việc riêng của Đăk Nông, nhưng không thể không nhắc lên ở đây.
          Việc đạo văn ở ta thi thoảng vẫn xảy ra (Văn nghệ trẻ đang có loạt bài về vấn đề này), nhưng đạo một cách có hệ thống, dài lâu, kiên trì bền bỉ và công khai như cô Lê Thủy này thì quả là hiếm có. Được biết cô này cũng đã nhiều lần đi dự các trại sáng tác, và cô còn tự nhận là cô làm trưởng ban biên tập của tạp chí Nâm Nung là hợp sức hợp lý vì cô đã... tốt nghiệp đại học Văn...
          Chúng tôi buộc phải lên tiếng vì sự trong sạch của văn chương Việt Nam.
          Và cũng qua đây chúng tôi xin cảnh báo về việc bố trí sắp xếp người trong các cơ quan nhà nước. Ngoài phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, rất cần phải có chuyên môn sâu. Nếu ông Tổng biên tập kiêm chủ tịch hội có chuyên môn, cô Lê Thủy không thể đường hoàng đạo văn như ở chỗ không người suốt ba bốn năm như thế.
                                                                   
                                                          Nhà thơ VĂN CÔNG HÙNG
----------------
XEM THÊM Ở ĐÂY

23 nhận xét:

Trần Phan nói...

Nếu có em nào đạo thì đạo luôn cả bác Hùng cho nó oách xà lách chớ đừng đạo chi thơ cho nó rách việc. Thách đấy! Ai ngon thì đạo luôn cả bác Hùng tui coi cái coi!

He he.

Nặc danh nói...

Cháu xin con tem
Đọc bài viết này của chú cháu rất bức xúc việc đạo văn ở nước ta. nhưng việc giải quyết những vụ việc đạo văn này xem ra vẫn còn bỏ qua rất nhiều , vd như: Ngọc Khuê thuổng thơ, bài thơ Nỗi buồn đập cánh của Phú Thọ bị đạo... mà đến nay dư luận vẫn chưa thấy xử lý việc này đến nơi, đến chốn và lại thêm vụ việc của cô Lệ thuỷ này nữa. Cháu xin được coppy bài viết này về blog của cháu được không chú?
Cảm ơn chú nhiều.

Lưu Thế Quyền nói...

Cháu xin con tem
Đọc bài viết này của chú cháu rất bức xúc việc đạo văn ở nước ta. nhưng việc giải quyết những vụ việc đạo văn này xem ra vẫn còn bỏ qua rất nhiều , vd như: Ngọc Khuê thuổng thơ, bài thơ Nỗi buồn đập cánh của Phú Thọ bị đạo... mà đến nay dư luận vẫn chưa thấy xử lý việc này đến nơi, đến chốn và lại thêm vụ việc của cô Lệ thuỷ này nữa. Cháu xin được coppy bài viết này về blog của cháu được không chú?
Cảm ơn chú nhiều.

Lưu Thế Quyền nói...

Cháu xin con tem
Đọc bài viết này của chú cháu rất bức xúc việc đạo văn ở nước ta. nhưng việc giải quyết những vụ việc đạo văn này xem ra vẫn còn bỏ qua rất nhiều , vd như: Ngọc Khuê thuổng thơ, bài thơ Nỗi buồn đập cánh của Phú Thọ bị đạo... mà đến nay dư luận vẫn chưa thấy xử lý việc này đến nơi, đến chốn và lại thêm vụ việc của cô Lệ thuỷ này nữa. Cháu xin được coppy bài viết này về blog của cháu được không chú?
Cảm ơn chú nhiều.

Văn Công Hùng nói...

@ Trần Phan:
-----------------
Được thế thì còn gì bằng, hơ hơ...
Chiều nào tớ cũng chường mặt ra quảng trường thành phố mà chả thấy ai "đạo" mình cả?

Văn Công Hùng nói...

@ Nặc danh:
------------
Mời cháu, lấy về cho nó vui...

Ngô Văn Cư nói...

-Ăn cắp quen tay... Ở cơ quan văn chương thì ăn cắp văn chương nếu để cô này vào nhà bác Hùng, cô sẽ ăn cắp bác ngay tắp lự! Tôi dám cáp độ đấy!
-Vụ LT đạo văn giống như NQ đạo môi trường,VA đạo sex... cả thôi! Ai xử đâu! Mà nhờ thế mới nổi tiếng, như kẻ hèn này biết được một "nhà văn" LT

Văn Công Hùng nói...

@ Ngô Văn cư:
---------
Vâng, nhờ thế mà cô "nhà văn" này mới... nủi tiếng- ngoài- ý - muốn.

TranTuan nói...

Văn chương thì vô cùng. Có "đạo" cả giải Nobel thì rồi của ai vẫn ở trong túi người ấy, có ai lấy luôn của ai được đâu. May ra thì chui được vào HNV là cùng, nhưng chả để làm gì.
Đồng ý với bác. dừng tại đây được rồi, em nó cũng đã thấm đòn. Còn có sữa mà cho con bú nữa chứ, he he

Văn Công Hùng nói...

@ Trần Tuấn:
----------
Loại này thì quên HNV đi nhé.
Chú chỉ đạo thì anh nghe thôi, dừng.

Huỳnh Gia nói...

Đạo của các nhà văn nổi tiếng còn có cơ may được bên vực , nếu lỡ những bài viết dù hay hay dỡ của những cây viết vô danh cỡ như em bị đạo thì chắc chỉ còn nước ngậm đắng nuốt cay anh nhỉ !

hoàng công tâm nói...

Hơ hơ, bác mà xuống đak nông cơ hồ em thủy này sẽ chận đường xin tý huyết. Dưng mà bài này hay và đúng. Nghĩ ra thì cũng đáng đời mấy tên "trộm đạo" văn chương bác H nhẻ

Văn Công Hùng nói...

@ Huỳnh Gia:
---------------
Đạo của ai thì cũng là ăn cắp thôi bạn ạ.

Văn Công Hùng nói...

@ Hoàng Công Tâm:
-------------
Thank bác nhé. Em sẽ... không xuống ĐN nữa, hà hà...

Dong nói...

Nói như chú Trần Tuấn là phải, nên dừng. Chứ cô này rơi "uỵch" một cái rồi lỡ...dại một cái nữa thì ân hận cả làng đấy bác ạ.

Văn Công Hùng nói...

@ Dong:
-------
Dứt trí cao với chú- và trước đấy là chú Tuấn, và trước đấy nữa là... anh...

Unknown nói...

Chuyện mấy ông bà không biết gì về văn chương nghệ thuật nhảy phóc sang làm lãnh đạo Hội Van nghệ là chuyện thường tình ở các tỉnh đó bác Hùng ơi!Cứ theo sự quan sát của em, thì đó thường là các bác có chút ít vai vế, đến tuổi về hưu vẫn tiếc sự đời, vẫn còn "nuối" chiếc ghế lãnh đạo nên sẵn sàng ngồi đại lên đó, bất chấp mình có chuyên môn hay kg.Nếu kg thì là những ông bà trong các ban TG, hat Ban DV hay bất cứ Ban gì đó của tỉnh được điều qua gọi là "canh cổng chính trị". Mấy bác này có khi cóc biết truyện ngắn khác tạp văn hay bút ký chỗ nào nhưng lại có quyền làm cái việc duyệt xét tác phẩm,cho đăng cái này, bỏ bài kia, quy tội chính trị bài nọ đó! Sự đời nó vẫn đang diễn ra mắc cười thế đó, bác kg biết sao?

Văn Công Hùng nói...

@ Vesau:
---------
Biết chứ biết chứ, mình lại vừa phải trả lời PV VNT (dù đã muốn nghỉ vụ này rồi), nói về chuỵện này. Đây chính là nguyên nhân làm cho văn chương nghệ thuật thoái hoá, trở thành văn nghệ quần chúng một cách sống sượng và đáng tủi hổ như đã từng xảy ra.

Nguyễn quang Lập nói...

HOAN HÔ VĂN CÔNG HÙNG

Văn Công Hùng nói...

@ Nguyễn Quang Lập:
--------------
THANH KÌU NGUYỄN QUANG LẬP.

Nặc danh nói...

Trong thời buổi văn chương Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng những tác phẩm xứng tầm và bị độc giả quay lưng, ngoảnh mặt thì vụ cô Thủy này có khi lại hay. Nốnc thể sẽ khiến nhiều người quan tâm đến văn chương Việt hơn.
Nhưng thiết nghĩ, các nhà văn cũng chẳng nên làm to chuyện làm gì. Thay vào đó, các ông/bà/anh/chị hãy tập trung vào sáng tác đi chứ cứ nhận tiền hỗ trợ của nhà nước bao năm mà chẳng thấy nên cơm nên cháo gì thì "sáng tác" hay "đạo văn" xét đến cùng có khác gì nhau.
Buồn

Cổ Ngoạn nói...

ĐẠO VĂN...XIN TÍ CHỮ THÔI
LÀM GÌ MÀ BÁC LẮM LỜI THẾ RU
LẦN SAU EM THỦY ĐỪNG NGU
NẾU ĐẠO THÌ CỨ TÌM HÙ...VĂN CÔNG

nhut u nói...

GẬY ÔNG LẠI ĐẬP LUNG ÔNG

Việc đạo văn của cô Lê Thủy được dư luận lên án, nhưng người tiếp tay liệu có chịu trách nhiệm? câu hỏi dư luận công chúng đặt ra đang chờ đợi trả lời từ các cơ quan chức năng.
Thật đúng như vậy? Vừa qua ông Lê Tiến Dị đã viết bản kiểm điểm về trách nhiệm trong công tác quản lý. Theo ông Dị phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Nông, Tổng biên tập tạp chí Nâm Nung từ năm 2005 đến 2010, chủ tịch hội đồng xét quỹ hỗ trợ sáng tác từ năm 2005 đến 2007, phó chủ tịch hội đồng từ năm 2008 đến nay, là người có kinh nghiệm lâu năm trong quản lý Hội văn học nghệ thuật và là người tham mưu cho chủ tịch và tổng biên tập hiện nay. Để cho vụ “đạo văn” của cô Lệ Thủy kéo dài trong thời gian qua mà bản thân ông không biết là do quá tin tưởng vào tác giả và người giúp việc cho ông là ông Nguyễn Liên. Chi hội trưởng, chi hội văn học, thư ký tòa soạn, biên tập viên, nằm trong hội đồng xét tác phẩm (ông Liên cơ quan Hội mới cho nghỉ việc từ năm 2009).
Ngay từ khi cô Lệ Thủy gửi bài đầu tiên để đăng tạp chí, hai ông Liên và Dị thấy tác giả viết tốt và đã hết lời khen, đưa bài vào đăng tạp chí và xét loại A quỹ hỗ trợ sáng tác. Không hề hay biết cô Lệ Thủy lấy bài từ nguồn nào. Sau khi có người phát hiện ra cô Thủy “đạo văn” người khác. Ông Nguyễn Liên mới “bù lu, bù loa” lên. Không khác gì, “gậy ông, lại đập” lưng ông.
Cũng theo lời ông Dị sự đạo văn của cô Lệ Thủy, ông nhận thấy rằng: trước hết trách nhiệm thuộc về Tổng biên tập, đã không sâu sát, trách nhiệm chưa cao trong việc quản lý, quá tin tưởng vào ông Liên và bộ phận biên tập thuộc mình phụ trách và ông đã nhận khuyết điểm đối với sự việc này.
Trong bản kiểm điểm ông đã nhấn mạnh. Sự việc “đạo văn” của cô Thủy là rất nghiêm trọng. Tôi là người phụ trách trong thời gian này phải chịu trách nhiệm, nhưng do quá tin tưởng vào tác giả và để kéo dài như vừa qua cũng là khách quan là chủ yếu. Vì thế tôi đề nghị được rút kinh nghiệm, không áp dụng hình thức kỷ luật.