Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

GÃ CUA ĐỒNG NHÀ SỐ 4

Hôm qua tự nhiên gã Cua Đỗ Tiến Thuỵ gọi điện, giọng rất thê thiết: Bác khoẻ không, cố gắng khoẻ mọi nhẽ nhé... Em sắp... làm thịt bác đấy. Tức là- y phân trần, em Phong Điệp VNT thúc y quá (mình cũng bị thúc, hihi) là "làm thịt" các nhà văn cho mục "chuyện làng văn" của VNT. Mà y thì đã thịt Khuất Quang Thuỵ, Sương Nguyệt Minh... rồi- toàn đàn anh và là thủ trưởng của y. Tóm lại là y sẽ... thịt mình. Mình đâu phải loại ngỗng... toilet gì, bèn... thịt y trước...

Cái phòng bé tí, cấp 4 tạm bợ trong khu tập thể sư 10, hắn ngăn lại một ô làm phòng hát karaoke giao cho vợ quản lý. Hồi ấy karaoke đang thịnh. Nhưng quả là có gan đồng tim thép mới dám chui vào cái “lò” ấy mà hát, mà lại hát chay, không có tay vịn. Nghe nói khi hắn sập tiệm karaoke, hàng xóm góp lại đãi vợ chồng con cái hắn một trận hoành tráng để “Từ nay chúng ta lại được yên bình”
                  
          Cách đây trên chục năm, hồi ấy lực lượng viết ở Tây Nguyên lắc rắc như lá mùa thu. Một hôm, lão nhà văn khó tính, kỹ lưỡng, cầu toàn Đỗ Văn Nhâm, khi ấy là đại tá trưởng phòng tuyên huấn Quân đoàn 3 (giờ là phó giám đốc xưởng phim quân đội) điện cho tôi, bảo: Chú chưa đọc cái truyện ngắn này thì quên đi, đừng bảo là biết hết bọn viết trẻ ở đây nhé. Tôi lơn tơn phóng xe 6 cây số vào (mục đích chính là... uống rượu), Đỗ Văn Nhâm ấn cho tôi một cái truyện ngắn đánh máy trên một thứ giấy pơ luya đen sì rồi đi mua chân giò luộc về đãi khách. Từ phòng ở kiêm phòng làm việc qua cổng bảo vệ có lính gác nghiêm ngắn đến cái quán chuyên bán chân giò luộc cho các sĩ quan quân đoàn ngoài đường 19 khá xa, đủ để cho tôi ngồi đọc xong cái truyện ngắn. Rất lạ. Ngơ ngẩn. Bức xúc. Đầy ám ảnh. Câu chữ cứ như thợ đấu vật đất mà câu chuyện thì quằn quại hun hút như sương muối mùa rét phía bắc. Câu chuyện xảy ra ở một vùng quê nghèo miền bắc. Sự tha hoá của những con người. Sự non tơ mảnh mai yếu đuối của những nhánh mạ trong sương muối. Những cặp mắt vừa trong veo vừa u uẩn ẩn sau quai nón. Áo nâu non, quần phíp đen xắn ngang gối... Nhưng tôi cứ bị ám ảnh bởi những đoạn văn tả cảnh của tác giả. Sắc lạnh, run rẩy, nhễ nhại sức lực. Gần giống lối viết của Đỗ Văn Nhâm. Từng chữ như bật máu, như rút ruột, như mài mình, dứt thịt mình ra, quẳng cả thân xác mình vào đấy. Nhâm về. Lừ lừ không nói, vớ điếu thuốc lào quất một hơi lim dim nhả khói um tùm trong khi chú công vụ trải món ra bàn. Nhẩn nha cởi quân phục, chỉ còn một bộ xương khẳng khiu và... đen tái chứ chẳng thấy đâu vẻ uy nghi của một ông đại tá của một quân đoàn chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam. Lừ lừ làm điếu nữa. Quát chú công vụ lấy dao chẻ nhỏ cái chân giò ra chứ bọn quán nó chặt to thế thì... của ở đâu. Hất hàm: Thế nào? Tôi bảo: Kinh. Của bác hả? Cười khẩy: của tao thì nói làm quái gì? Của một đứa ở sư 10, lái xe...
          Cũng khoảng gần chục năm trước, một chuyến du khảo xuyên Việt. Một đêm giao lưu khá hoành tráng ở Công viên Đồng xanh. Rượu cần và nguyên một con nai trên bếp than rừng rực. Tan cuộc, tôi mời một số đàn anh về nhà nhậu tiếp. Các đàn anh gồm: Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Dương Trung Quốc, Bảo Ninh, Phạm Xuân Nguyên... Tôi biết có một đoàn văn nghệ sĩ Kon Tum cũng đánh xe xuống dự cuộc này. Tôi gọi cho gã bạn là phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ Thuật Kon Tum: Hữu Kim hả, đến tiếp khách cùng tao, toàn VIP. Đến ngay nhé. Hai tuần rượu mới thấy Kim điện lại: Ta rủ một chú em đến, nhưng chú ngại, bảo toàn người “sang”, chú không dám đến. Hỏi ai? Bảo Đỗ Tiến Thuỵ. Cái tên quen quen. Đằng kia nói tiếp: Thuỵ ở sư 10. A, nhớ rồi, cái truyện ngắn hồi nào. Tôi bảo chuyển máy rồi mời Thuỵ rất chân thành. Thuỵ dạ, em tới ngay, em chở anh Kim tới. Khi tới thì Thuỵ quần lính xăn móng lợn, chảy máu ở mắt cá, Kim trầy tay. Thì ra hai tên bị té xe máy khi xuống cái ngõ trơn nhẫy nhà tôi... Hôm ấy chúng tôi “ngồi” từ 21h30 tới... 3 giờ sáng. Thuỵ khép nép một góc, cái chân dài ngoẵng cứ phải thu lại rất tội nghiệp. Các đàn anh nói và uống, Thuỵ ngồi nhìn và nghe...
          Thế rồi quen nhau, qua lại như người nhà. Kon Tum cách Pleiku 45 cây số. Lâu lâu lại thấy một gã lính gầy như cây sậy, lêu đêu như cây sào phóng chiếc xe máy biển đỏ, đầu đội mũ bảo hiểm kín mít (hồi ấy chưa bắt buộc đội mũ như bây giờ), vào cơ quan tôi chơi. Ấy là gã tranh thủ đưa công văn của sư đoàn xuống quân đoàn. Bao giờ cũng... “lì vài lam”. Cả cơ quan tôi quý gã. Nhưng mà gã này... kiêu lắm. Mấy lần tôi bảo đưa truyện để tôi in ở Tạp chí Văn Nghệ mà tôi đang tòng sự. Giọng nhũn nhùn: Dạ, để em sửa kỹ đã. Nó còn chưa ổn. Nhưng mà rồi thấy y in tới tấp trên Văn nghệ Quân đội. Rồi y đi học Nguyễn Du. Trước khi đi tôi và nhà nhà thơ Hương Đình chiêu đãi hắn một cuộc trọng thể. Nói trọng thể là bởi thời ấy còn đói kém, lương rất thấp mà mỗi thằng một con cua tổ bố rang muối, một con tôm hấp nước dừa và một con mực hấp bia. Hắn ra chiều cảm động lắm rồi lặn ra Nguyễn Du.
          Đang học thì hắn ra sách, tập truyện ngắn “Gió đồng se sắt”, một hiện tượng của Nguyễn Du khoá ấy. Trường tổ chức hội thảo. Tôi lặn lội từ Tây Nguyên ra, góp cho y thùng bia đãi bạn. Rất đông văn nhân Hà Nội tới dự, nhưng đến nửa buổi thì các “văn nhân” Nguyễn Du lặn gần hết, còn lại Thuỵ với nhà văn khách mời. Mà tập ấy rất được. Nghe nhiều chuyện về học viên Nguyễn Du, hôm ấy tôi mới chứng kiến và... không ngạc nhiên. Khoá học ấy, bây giờ thấy Đỗ Tiến Thuỵ, Nguyễn Thế Hùng và Nguyễn Toàn vẫn còn viết và viết hay.
          Đỗ Tiến Thuỵ viết chậm nhưng truyện nào ra truyện ấy, dấu ấn rất rõ ràng, kỹ càng, dụng công, chắc chắn, vừa tài hoa tung tẩy vừa tiết chế thòm thèm. Viết được như thế, ý thức được như thế không phải dễ. Ra Hà Nội học hắn vẫn để vợ và... 3 thằng con trai lít nhít phá như giặc ở Kon Tum. Đâu như hắn xin cho vợ vào làm chị nuôi ở đơn vị cũ của hắn, chứ trước đấy vợ hắn ở nhà, nấu cơm giặt giũ phục vụ chồng con, mà nói sang là nghề “nội trợ”. Cái phòng bé tí, cấp 4 tạm bợ trong khu tập thể sư 10, hắn ngăn lại một ô làm phòng hát karaoke giao cho vợ quản lý. Hồi ấy karaoke đang thịnh. Nhưng quả là có gan đồng tim thép mới dám chui vào cái “lò” ấy mà hát, mà lại hát chay, không có tay vịn. Nghe nói khi hắn sập tiệm karaoke, hàng xóm góp lại đãi vợ chồng con cái hắn một trận hoành tráng để “Từ nay chúng ta lại được yên bình”. Có hồi tôi nghe Tạ Văn Sĩ bảo Thuỵ vừa học Nguyễn Du vừa... lái xe tắc xi, lương đại uý để ở nhà cho vợ nuôi con, Thuỵ lái xe tự nuôi mình ăn học. Tôi bảo tốt quá, chứ một xuất lương chia năm xẻ bảy thì chết. Một lần gặp Thuỵ ở Hà Nội, tôi hỏi, Thuỵ bảo đâu có. Anh Sĩ thương mà nói thế chứ em đâu đến nỗi nào. Thì ra hắn lao động kiếm thêm bằng cày chữ. Đang học mà hắn đã có giải thưởng, và hắn dùng giải thưởng ấy mua một cái laptop sê- cần- hen. Một lần đi thực tế Tây Nguyên, ghé qua nhà tôi ăn cơm uống rượu buổi trưa, hắn trịnh trọng lấy một cái ghế đẹp nhất trong nhà, dùng khăn mùi xoa lau hai ba lần bóng loáng lên rồi cẩn thận rút trong cái túi hắn khư khư ôm từ lúc vào nhà tôi ra cái máy tính xách tay nặng... 7 kg, dầy như cục gạch. Hắn nhem thèm tôi một cách trịnh trọng. Và tôi cũng bị laptop của hắn mê hoặc một cách trịnh trọng. Lúc này tôi đã có 2 máy tính để bàn, một của cơ quan, một của nhà, nhưng tợp một ngụm rượu, hắn bảo: Viết bằng máy để bàn nó không... sang văn bác ạ. Laptop nó ngập tràn hơi thở đời sống, nó vời vợi ước mơ khát vọng, nó khoáng hoạt, cao cả, nó... tôi vằn mắt lên quát: Chú im đi, lôi máy ra tra tấn anh thế đủ rồi, thế chú chứng minh cái sự văn sang của laptop đi. Như chỉ chờ có thế, y mở file, đọc nguyên một cái bút ký mới viết trong chuyến thực tế về bộ đội biên phòng dài đúng bằng... hai lần trọng lượng máy tính, 14 trang. Đọc bút ký mà y khi thì nhắm tịt mắt, lúc thì lắc lư đầu, hoa chân múa tay, lên bổng xuống trầm, khúc sang sảng đoạn nỉ non... Thôi rồi, tan bữa. Hai con gái tôi lấm lét... thở dài rồi... lui hết vào nhà trong. Nhưng cái cuộc nhem thèm ấy nó thành công ngoài mong đợi là thế này: Sau khi Thuỵ đi khỏi nhà tôi khoảng một tuần thì vợ tôi thẽ thọt hỏi: Thế viết bằng laptop nó hay hơn hả ông?- chứ lại không ư? Mẹ mày không thấy à, thằng Thuỵ ngày xưa viết bằng máy chữ có ra gì, giờ có con xách tay văn nó hoành tráng hẳn lên, in tơi tới ở các báo nhớn, lại còn giải thưởng nữa. Hôm nọ mẹ mày không nghe à?- Mà nào có nghe, lo rượu lo mồi cho các ông, chỉ nghe loáng thoáng viết bằng laptop nó sang văn.- Thì vưỡn. Mẹ mày thấy cái cây bỏ trong nhà nó khác cái cây ngoài trời thế nào không? Laptop là máy tính xách tay, nó luôn luôn ở ngoài trời, được hưởng tinh hoa đất trời, hít hơi thở đời sống, gắn chặt với nhân dân lao động, với nhân loại cần lao...- Thôi, tuần sau tôi vay tiền mua cho ông một cái. Khoảng bao nhiêu?... Tèn tén ten ten Thuỵ ơi, nếu rỗi, chú lại đến nhà anh uống rượu nhé, chú lại bảo nhà văn phải đi ô tô riêng thì viết văn mới hay nhé, hơi văn mới sang nhé, các báo trả nhuận bút mới cao nhé...
          Bây giờ Thuỵ về trụ trì ở “nhà số 4”, một địa chỉ văn học nổi tiếng như “nhà số 17”. Anh vẫn thế. Đôi dép cao su, bộ quần áo lính rộng thùng thình, nhưng y tự hào là trong cái cơ quan văn chương của lực lượng vũ trang là Tạp chí Văn Nghệ Quân đội này, y là một trong những người lính thực thụ. Ở Văn Nghệ quân đội bây giờ có một lớp nhà văn trẻ, nhà văn cấp uý, đầy tài năng như Đỗ Tiến Thuỵ, Nguyễn Thế Hùng, Phùng Văn Khai, Đỗ Bích Thuý... sát cánh với các nhà văn đại tá. Thuỵ và Nguyễn Thế Hùng là hai chú lính thứ thiệt, một chú ở Tây Nguyên, một chú ở miền Tây cùng học lớp Nguyễn Du vừa rồi, ở chung phòng trong ký túc xá và giờ cùng về Văn Nghệ Quân đội. Có thời tôi thấy có một cái bút danh Hai Tây, dò mãi tưởng hai chú này... viết chung, nhưng té ra không phải. Thuỵ ký Hai Tây là ghi dấu ấn hai vùng đất của mình- Hà Tây và Tây Nguyên. Rất thân nhưng có điều kiện là hai tên này chành choẹ nhau. Thuỵ ở ban văn xuôi, Hùng về ban lý luận phê bình nên bị Thuỵ gọi là... cán bộ phê bình. Quê Hùng ở Nghệ An, có nghề nuôi hươu lấy gạc, và nhờ vậy mà anh có truyện ngắn “Lộc giời” vừa được giải thưởng VNQĐ, vì thế anh có biệt danh là... hươu. Còn Thuỵ, chính y tự nhân mình là Cua, chú cua đồng ngoi lên từ đồng đất quê hương Hà Tây. Trong weblog của mình, Thuỵ dùng một con cua nguyềnh ngoàng 8 cẳng hai càng hai mắt thô lố để ở Avatar, và dùng nick là Cua, các cô gái từ trẻ đến sồn sồn rất thích vào comment với hai chữ đầu “Cua ơi” nghe như sắp có... nồi canh rau đay đầy váng ăn với cà pháo. Cái chất “Cua” vẫn còn rất đậm trong Thuỵ, dù anh đã đi khá nhiều trên... đường nhựa.
          Tôi vừa ra Hà Nội, vào thăm... cua. Y đang lúi húi với vannghequandoi online và blog cá nhân. Ở một mình, vợ con vẫn ở Kon Tum, nếu không suốt ngày chúi mũi vào mạng thì y biết làm gì? Để vợ con ở Kon Tum chứng tỏ là y vẫn nặng nợ với Tây Nguyên lắm. Mà cũng lạ, cái đất Kon Tum heo hút ấy mấy năm gần đây nảy nòi ra lắm nhà văn viết hay. Đỗ Tiến Thuỵ ư? Nguyễn Toàn ư? Nguyễn Thống Nhất ư? Đặng Minh Sáng ư? Bốn tên này, tuyền viết văn xuôi, mấy năm vừa qua liên tiếp ẵm các giải thưởng của báo Văn Nghệ và Văn Nghệ quân đội, hai ngôi đền văn chương sang nhất nước. Trong số ấy, Đỗ Tiến Thuỵ là người vừa may mắn vừa bất hạnh. May mắn là vì y được về đúng chỗ y mơ ước. Y sẽ là kế cận của một đội ngũ nhà văn hùng hậu của nhà số 4, sau này, khi “trăm tuổi”, ảnh y cũng sẽ được đặt ngang với các bác Thanh Tịnh, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều... những đấng, bậc mà thời đi học y vừa mê đắm vừa khiếp sợ. Bất hạnh là y... không được vợ chăm sóc. Xem truyền hình Việt Nam làm về các nhà văn Việt Nam, thường thì có 2 chi tiết không thể thiếu. Một là đang chăm cây, tưới nước hoặc cầm kéo cắt lá. Hai là... vợ bê nước ra bàn viết cho chồng rồi rón rén khúm núm lùi lại để không làm tụt làm đứt thi hứng của chồng. Cũng có ông hoành tráng (trên tivi) thì kêu vợ lại, rưng rưng nắm tay rồi đọc cho vợ nghe những trang mới viết. Tất nhiên là vợ chớp chớp mắt rưng rưng xúc động. Nếu lỡ mà truyền hình có nhã ý làm phim về Cua thì sẽ thiếu cả 2 cảnh ấy. Y ở nhà tập thể, ngay trong toà soạn, vừa là nơi làm việc kiêm chỗ ngủ thì lấy đâu cây mà cắt mà tưới. Còn bưng nước, chả lẽ lại nhờ vợ Nguyễn Thế Hùng trên gác xuống giúp việc này?
          Thì thôi, Cua còn trẻ, mà dạo này thì gỗ hiếm rồi nên các... chày giã cua cũng khó kiếm vì thế cua cứ hiên ngang mà bò (hồi tiểu thuyết “Màu rừng ruộng” của Thuỵ vừa xuất bản, nó cũng bị một chuỳ khá nặng của một nhà phê bình trẻ, nhưng... Cua vẫn tồn tại). Ở thành phố bây giờ họ ít giã cua, mà xay cua. Thấy mấy cái máy xay thì tránh xa Cua nhé...
                                  
                                           Cua: Đầu nào cứng hơn?

---------
Đã in VNT hồi 2007

4 nhận xét:

Dong nói...

Anh chẳng bao giờ giàu, bởi có bao nhiêu vốn dốc một lần là sạch. Rồi lại bươn bả tìm cho ra một Thụy khác để viết ư ? Tiết kiệm anh ạ, thời khó khăn, nhin nhín cho các cháu nó ra trường hết đã.

Văn Công Hùng nói...

@ Dong:
-----
Thói hoang quen rồi, cứ băm bỏ như lần đầu yêu ấy, khổ thế...

Daqui nói...

Cái mảng ... "Chân rung văn học" của Nhà Thơ hơi bị hay ! Qua Anh mà Dã Qùi lại ...say luôn mấy ông bạn văn của NT nữa , mà NV Đỗ Tiến Thụy đã để lại nhiều ấn tượng . Xin cảm ơn Anh !

Văn Công Hùng nói...

@ Dã quỳ:
------
Tôi đã có đủ 1 tập dầy dặn các chân dung nhà văn VN theo kiểu này mà loay hoay mãi vẫn chưa có ai mua để xbản.
đành post dần lên đây phục vụ nhân dân vậy, hìhì...