Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

LẠI CHUYỆN TẾT, TẾT NGHỈ, TẾT CHƠI...

... Nó được phụ họa với mùi hương thoang thoảng, với hoa mai hoa đào, với con gà đĩa xôi ngăn nắp trên bàn thờ, với cái lâng lâng không cắt nghĩa của cái màu mây mê mải đang đuổi gió trên nền trời ảo hoặc lấp lánh chút ánh sót lại của dã quỳ cuối mùa như níu như buông một thảng thốt ánh nhìn tưởng như bâng quơ nhưng hình như không phải...-----------------------

          Thành quả dễ thấy nhất của đổi mới vận vào tết là ta thấy từ chục năm nay câu ăn tết đang nhường cho cụm từ chơi tết, nghỉ tết. Năm nay, từ nghỉ tết càng rõ rệt khi cán bộ công nhân viên được nghỉ đến gần chục ngày, tha hồ chơi bời thăm thú, tha hồ tiêu dao ngoạn cảnh...
          Lại nhớ cái thời bao cấp trước đổi mới, tết là niềm vui, ao ước của mọi người, đặc biệt là trẻ con vì sẽ được ăn tết, nhưng cũng lại là nỗi lo, thậm chí là khiếp đảm của các bà nội trợ. Trước tết cả tháng là canh cánh nỗi lo sắm tết. Làm thủ trưởng cơ quan thì những dịp tết phải tỏ cái sự mẫn tiệp quảng giao của mình bằng cách trổ tài quan hệ để lo thêm tết cho cán bộ công nhân viên của mình, nhiều khi chỉ là nửa cân thịt hoặc cân cá, thậm chí chỉ là chai nước mắm, gói chè, vài thìa mì chính, cân đường, vài lon nếp... Ở cái Ty Văn hóa mà tôi công tác thời ấy, tết đến ông trưởng ty còn cho xe Zeep đi chở nước về cấp cho từng hộ. Ấy cũng là một cách quan tâm đến đời sống cán bộ công nhân viên.

          Hồi ấy, tất cả mọi nỗi lo sắm tết là chỉ nhăm nhăm vào mâm cỗ và một ít bánh trái tự làm lấy. Nào là bánh tét bánh chưng, bánh thuẫn, bánh in, mứt dừa mứt gừng, mua một thang thuốc ngâm dăm lít rượu. Nhà nào sang làm cân thịt bò thưng mắm, không thì ít tai heo ngâm dấm, đơn sơ nữa thì lọ kiệu muối. Hoa thì chủ yếu hoa vạn thọ đặt bàn thờ, hoa đồng tiền đơn cắm bàn nước, thêm một ít hoa hướng dương đặt ngoài hè. Thế mà quần quật cả tháng trời, xong tết xoa tay thở phào để rồi lại thon thót lo... tết năm tới.
          Quần áo thì tiêu chuẩn người bốn mét vải, bao giờ trong năm cũng tranh thủ mua, trước tết chừng tháng thì đem may, công may bao giờ cũng đã cao hơn một chút, và lâu được lấy hơn, nhưng bù lại, tết có quần áo mới mà diện. Mặc đến tết năm sau lại may mới. Nhà ai đông con thì đứa sau cứ an tâm mặc của đứa trước, cấm thắc mắc hó hé gì, coi như đương nhiên là phải thế.

          Giờ thì về ăn mặc ngày nào trong năm cũng có thể gọi là tết. Tất nhiên vẫn còn những nhà nghèo chạy ăn, vẫn còn những mảnh đời bất hạnh, nhưng so với ngày xưa đã một trời một vực. Trước tết bao nhiêu đoàn thăm, chúc tết, xuất ngân sách lo tết cho người nghèo, bao nhiêu quà từ thiện đến với đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa. Còn nói chung với dân chúng thì, nỗi lo ăn không được lớn hơn nỗi lo không được ăn. Các bà nội trợ gặp nhau bây giờ ít hỏi nhau “sắm tết chưa” nữa, mà là hỏi “Tết này chơi đâu, con cái về đủ chưa, có về thăm nội ngoại không, thuê xe hay đi máy bay, hay đi xe chất lượng cao...”. Các ông có tuổi thì lập kế hoạch làm sao để... trốn nhậu. Ông thì về quê, ông thì luôn thủ trong ví đơn của bác sĩ, ông thì tắt điện thoại... muôn hình đủ kiểu để trốn... ăn nhậu, để được nghỉ ngơi, được đi chơi.
Xe tết thời bao cấp đấy, tớ đã rất nhiều lần ngồi xe như thế này hàng mấy ngày trời đấy
          Tết bây giờ, về mặt vật chất, nó đã “thay đổi về chất” như thế, theo hướng tích cực, không lo ăn tết mà tìm cách chơi tết và nghỉ tết, có lẽ đấy là điều không ai không nhận thấy.
          Tuy thế, có những điều ấm áp của tết nhiều người vẫn giữ, ấy là tục cúng ông Công ông Táo ngày hăm ba, tục cúng chiều ba mươi, tục cúng đưa, tục giữ lửa ba ngày tết, tục chúc nhau những lời tốt đẹp, tục gượng nhẹ ôn hòa trong những ngày tết...
          Và có một thứ rất thiêng liêng, rất tự nhiên, mà tôi nghĩ ở bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ tết nào, giàu nghèo gì cũng có, ấy là tâm trạng tết.
          Tâm trạng tết dễ thấy nhất là cảm giác nao nao buồn. Nó có vẻ là cảm giác của nhiều người ở cái ngày cuối năm lãng đãng vừa trống trếnh vừa tất bật, cái ngày năm cùng tháng tận, ngày mà con người vừa thấy hụt hẫng lại vừa tinh khôi, vừa an nhiên lại vừa động hoặc, cứ như dùng dằng, như quyến nhớ một điều gì chẳng rõ... Nó được phụ họa với mùi hương thoang thoảng, với hoa mai hoa đào, với con gà đĩa xôi ngăn nắp trên bàn thờ, với cái lâng lâng không cắt nghĩa của cái màu mây mê mải đang đuổi gió trên nền trời ảo hoặc lấp lánh chút ánh sót lại của dã quỳ cuối mùa như níu như buông một thảng thốt ánh nhìn tưởng như bâng quơ nhưng hình như không phải...
Tết này tôi lại về quê, mới nghĩ thôi đã thấy ấm lòng. Nhà chia đôi, tôi và một con gái thứ 2 về quê, vợ và con gái đầu ở lại giữ lửa nhà Pleiku vì cháu phải vào SG sớm đi làm. Làm thuê làm mướn là phải lao động cho xứng với đồng tiền bọn chủ thuê nó bỏ ra, không như công chức ta, làm thì làm chơi thì chơi, tết xong còn long rong cả tháng chưa hết mùi xuân.
Ba mươi năm ở Pleiku, chỉ năm năm tôi được ăn tết với mẹ, còn hai lăm năm đã đón giao thừa tha hương, những cái giao thừa vừa uống vừa khóc, những giao thừa lang thang bét nhè. Tất nhiên sau này khi có vợ con thì khác. Nhưng giờ lại như cái thuở nào, nửa mong nửa sợ giao thừa...




 

3 nhận xét:

Ngoc nói...

thích bài viết này của chú!

Ngoc nói...

thích cái cụm từ "vừa hụt hẫng vừa tinh khôi" mà chú đã viết, cháu cũng có cảm giác như thế nhưng không viết hay như thế được .hihi.

Văn Công Hùng nói...

@ Ngọc:
Cám ơn cháu đã đồng cảm. Viết chữ cũng như luyện vàng, càng viết nhiều thì chữ ra càng dễ, cứ tự nó buột ra thôi...