Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Ý NGHĨ TRÊN TRỜI

Sáng nay đọc báo Thanh Niên thấy một cái tin không thể không khóc ba phát cười ba phát: Lập dự trù kinh phí xin ngân sách để... tiêu hủy hàng cứu trợ. Nhớ hồi ấy mấy trang weblog còn chụp ảnh những cái quần lót nữ rách hơn thời... chị Dậu trong thùng hàng cứu trợ. Quá trời là kinh hãi. Và đến bây giờ thì thực hư của việc hội chữ thập đỏ Nghệ An cho bớt garage xe mấy bao quần áo cứu trợ để làm giẻ vẫn còn là... hư thực. Bài này viết trong cái dịp ấy, do một em xinh đẹp của một tờ báo phía Nam đặt, nhưng rồi hình như là nó không được đăng...



TRÊN MÁY BAY NHÌN VỀ...


          Mùng 5, tôi bay ra Bắc. Có chút việc làng.
          Mưa kín trời. Trên xe ra sân bay nghe radio đọc tin, miền trung bị cô lập. Quảng Bình phải điều xe lộ nước và 2 trực thăng, đích thân ông Lương Ngọc Bính, bí thư tỉnh ủy ngồi trực thăng đi cứu người...
          Hà Nội rực rỡ cờ hoa. Ngồi ở phòng chờ sân bay Pleiku bạn đã ríu rít nhắn tin, ra sớm để xuyên đêm Hà Nội. Chợ Đồng Xuân đêm là một sáng kiến đã được lập trình để bạn bắt tôi ngưỡng đêm uống bia ở đấy. Sáng mai ăn phở Bát Đàn, cà phê Lâm Hói...
          Những tương phản đến ghê người.
          Tranh thủ lướt web ở phòng chờ, đập vào mắt là 1 thằng cu ở Quảng Bình nhai mì tôm sống giữa cánh đồng ngập nước. Là mấy ông bà già lấp ló ở mái nhà như cái tổ tò vò sắp ngập. Là một con heo, một con bò nghé, gia sản của một gia đình Quảng Trị được ngự trên bàn, còn cả nhà co ro dưới nền lũng bũng nước. Là một cái nồi nhôm méo mó không một hạt cháy...
          Sáng mai, hoa sữa nở rợp đường Nguyễn Du, hoa sen dập dềnh trôi trên Cổ Ngư, trai thanh nữ tú dập dìu. Mà cách nhau nào có xa. Hơn trăm cây số đường chim bay. Còn theo đường quốc lộ, vài bốn trăm cây...
          Nhưng thế mới là cuộc sống.
          Tôi gõ những dòng này trên máy bay. Lâu nay lại có thói quen gõ máy tính trên máy bay, và được nhiều chữ phết. Nhưng lần này thì không mong nhiều chữ. Cô bạn ở báo D điện bảo cho một cái tản văn về Hà Nội ngàn năm. Thì ngàn năm cả mấy ngày nay, thậm chí cả mấy năm nay rồi, thêm 1 bài ca ngợi ngàn năm nữa cũng chả oai oách gì. Nhưng cái cảnh lũ lụt kia cứ quấn lấy tôi. Những người dân quê ấy, chắc chắn là đến 90% chưa biết gì thủ đô, có khi họ cũng chả hiểu mấy ngày nay làm gì mà đài báo nói nhiều đến Hà Nội thế, và họ cũng không hiểu tại sao, mấy lần lũ lụt trước, loa đài tập trung nói nhiều về họ, còn lần này, có nhắc đến cũng phải sau... cờ hoa, sau dập dìu giai nhân tài tử, sau long trọng xa hoa. Mà họ thì đã ngập nước mấy ngày nay rồi. Họ không sợ khổ, chỉ sợ đói. Và sợ con họ thất học. Thất học thì mãi mãi chỉ là họ thôi, không thành xa hoa sang trọng được. Khát thì uống nước ruộng, bụng dạ quen rồi, chả sao, nhưng mưa lụt như thế làm sao mà nổi lửa, mà nấu chín thức ăn. Mưa lụt thế làm sao đi học. Sách vở ướt, người ngợm ướt, và lớp trường thì lút bum... Cũng lâu nay người ta hay nghĩ xấu về dân Miền trung rằng là chuyên ngồi mong... lũ lụt để được cứu trợ. Phải ở trong chăn, trong cuộc, chịu những cơn lũ như thế này mới hiểu nỗi khổ của nhau. Thì dân thành phố đấy, hiện đang có một ngàn năm trăm người mắc lũ tại ga Đồng Hới, khốn khổ khốn nạn chưa, tiền đầy túi mà chịu đói, vàng đầy tay mà chịu khát. Ngay Hà Nội năm nào, có bài hát "Em đi bơi thuyền trên phố Đại La" ấy, rồi bài gì gì ngâm chân cả ngày ấy, chả chịu đói chịu khát rồi la làng la nước lên là gì?...
          Tất nhiên là cuộc sống luôn có hai mặt, và các cụ đã dạy rồi: Quân tử phòng thân. Nhưng ngẫm lại, những người dân quê có bao giờ được là quân tử. Mà tiểu nhân thì càng dứt khoát không phải. Những người nông dân chưa và không bao giờ là tiểu nhân. Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mông nứt toác ra chĩa lên trời như một sự giễu nhại ông xanh, lầm lũi nắng mưa mà cứ thon thót lo trời đổi tính. Thế mà cứ có giặc là họ ra trận. Cứ có biến thì họ kết thành khối. Thi thoảng báo chí lại rồ lên một gã dị nhân nào đó, rằng là có thể đuổi mây, xua mưa, có thể làm nước ruộng thành nước suối, làm nước giếng thành... bia, nghe mà đau cả người. Bởi nếu có những vị như thế, trước hết hãy cứu những người dân bần cùng đi đã. Họ đã suốt đời tin trời, sùng bái trời, bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng có thể thốt lên đau đớn: Trời ơi! Thế mà trời nào đoái hoài đến họ?...
          Nghĩ cho cùng, họ, những người nông dân ấy, mang một mặc cảm số phận. Họ đã cưu mang chúng ta, cưu mang người thành phố, làm nên hồn cốt dân tộc này. Tất cả mọi người thành phố đều không sớm thì muộn, thoát thai từ nông thôn. Thế mà cách biệt quá xa. Sự cách biệt được hiểu như là đương nhiên đã khiến những người nông dân nghĩ rằng, muốn đổi đời thì phải lên thành phố.
          Thế là một cuộc vượt thoát thành người thành phố, nhọc nhằn và khổ ải.
          VNN mới công bố một điều tra về việc... quan hệ tình dục của người quê ra phố. Rằng là theo thống kê, các bà vợ ra phố làm thuê, để nhà cửa ruộng vườn trâu bò con cái cho chồng, mỗi tháng về một lần, ngoài việc đem tiền về thì phải... trả nợ sinh hoạt tình dục cho chồng cả tháng. Mấy ngày gánh cho cả tháng. Mà đấy là các bà làm ở trong nước, còn bao nhiêu đàn bà con gái xứ Nam đi xuất khẩu lao động. Gọi mỹ miều thế, nhưng thực ra là đi bưng bô đổ phân cho người nước ngoài. Đau đớn lắm. Chỉ riêng việc giải quyết sinh lý thôi, nông thôn Việt Nam đang hứng chịu những cơn bão AIDS dữ dội, làm chao đảo những mái tranh hiền hòa. Có nhiều nguyên nhân, nhưng sự xa cách, bỏ nhau đi làm thuê ở xa cũng là một tác nhân quan trọng.
          Nông thôn, tôi nhìn qua cửa sổ máy bay, một vệt đen trong mờ mờ trắng nước. Họ sinh ra dân tộc này, sinh ra ông bà bố mẹ tôi, và bây giờ đang hứng chịu những bất công không dễ gì san lấp được.
          Đừng đổ vội cho kinh tế thị trường. Trước hết, hãy nhìn lại mình. Bởi nông thôn là nước Việt thân yêu. Mười thế kỷ trước, Lý Công Uẩn di đô từ nông thôn Ninh Bình về thành Đại La, lập nên vương triều Lý. Và bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu biến thiên, nông thôn, nông dân vẫn là gốc rễ rường cột của tổ quốc.
          Nông thôn ấy, bây giờ đang trắng nước.
          Và không thể khác, sáng mai tôi vẫn phải phở Bát Đàn, vẫn cà phê Lâm, và cũng không thể khác, một bó hoa loa kèn muôn muốt trắng sẽ trên tay tôi đến nhà một cô bạn gái. Ngày mai cô ấy tròn... 50 mùa thu...

                                                          Trên máy bay đêm Pleiku- Hà Nội
                                                                   

5 nhận xét:

Văn Công Hùng nói...

KHÔNG BIẾT BÁO NÀO KHÔNG ĐĂNG VÀ EM XINH ĐẸP NÀO ĐẶT CHỨ, CÒN BÀI NÀY CỦA BÁC RÕ RÀNG ĐÃ ĐĂNG NGAY TRÊN BÁO DOANH NHÂN SÀI GÒN. TANG CHỨNG ĐÂY:
http://doanhnhansaigon.vn/online/doanh-nhan/di-nghi-viet/2010/10/1048318/tren-may-bay-nhin-ve/
HE HE
-----------
Sau khi bài này lên thì mình nhận được email của ĐBH, người đặt bài, té ra là đã in nhưng mình không biết, Xo Zy em và báo DNSG.

Nguyễn Minh Tuấn nói...

Bài này em đã đọc qua điện thoại trên một chuyến đi Đaklak (cũng mất dăm nghìn tiền cước đấy,hì hì!). Còn nhớ đọc xong mấy đứa em hỏi: sao mặt anh đần ra vậy? Ôi chao, chẳng biết nói sao. Đành phải đùa: Hà Nội ngừng bắn pháo hoa, tự nhiên buồn! Xong rồi buồn luôn!

Văn Công Hùng nói...

@ Nguyễn Minh Tuấn:
Thương cái điện thoại quá, huhu...

dân ghuệ nói...

Nói thiệt bây giờ nông thôn Việt Nam vẫn còn một số nơi như cái Làng Vũ Đại ngày ấy, vẫn nghèo khó, lạc hậu và bị một số cường hào ác bá thời nay sách nhiễu. Thanh niên bây giờ lần lượt kéo nhau ra thành phố làm thuê, lương 3 cọc 3 đồng, bao nhiêu tệ nạn cạm bẫy rình rập. Ở quê giờ chỉ toàn cụ già và trẻ nít.Có lần tui nghe một cụ thở dài: Không biết mai mốt mình chết có ai khiêng không? Tui giật mình luôn.Người ta cứ tưởng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn là cứ phố hóa nó ra.Đất đem chia lô xây nhà mái bằng, mở quán Càfe, Karaoke, quán nhậu, sắm xe máy,...là tiến lên văn minh, hiện đại.Về quê bây giờ vẫn buồn, con trâu đi trước cái cày theo sau, nông dân vẫn một nắng hai sương đối đầu với thiên tai, dịch bệnh. Các tổ chức ban ngành thì nhiều nhưng làm việc không hiệu quả,trách nhiệm không rõ ràng nên cứ qua loa cho qua chuyện"sống chết mặc bay...".Thôi buồn quá không viết nữa. Khi nào anh về làng Thế Chí thì nhớ viết một bày nghe.

Văn Công Hùng nói...

@ Dân ghuệ:
Ơ biết làng Thế Chí à?