Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

TÂY NGUYÊN HÀNH TRÌNH BÍ ẨN

Nói đến Tây Nguyên, ta hình dung ngay ra một thế giới của chiêng của ché, của chiêng cồng nhà mồ tượng mồ, của hoang dã đời sống rừng núi với bạt ngàn bí ẩn tâm linh lẫn vật chất. Bên cạnh những hiện hữu đương nhiên, Tây Nguyên vẫn còn ẩn chứa những bí ẩn, những "râm ran đồn thổi" không cắt nghĩa được. Nó tồn tại như một phần của văn hoá, làm cho cuộc sống lung linh hơn, hư ảo hơn, khát khao quyến rũ hơn và cũng hoang mang thi vị hơn... 
1. Bí ẩn ché cổ
          Thì đang sống yên bình như thế, cách đây hơn hai chục năm, chúng tôi được báo là ở làng ấy làng nọ có một chiếc ché cổ. Ché cổ ở Tây Nguyên thì thiếu gì, Hà Nội, Sài Gòn... còn nhiều hơn! Nhưng không, chiếc ché này vừa cổ vừa thiêng, lạ lắm, phải đến mới biết... Tôi hăng hái tháp tùng cố giám đốc sở văn hoá Gia Lai Kon Tum Trịnh Kim Sung cùng một số cán bộ chức năng trên chiếc xe Jeep tiến về Phú Bổn, vào một ngôi làng Gia Rai ngay bên quốc lộ 25 thuộc huyện Ayun Pa, Gialai. Được báo trước, chúng tôi vào thẳng nhà anh K'Pao, chủ nhân của chiếc ché cổ. Mới nhìn từ xa sau khi chủ nhà lật tấm chăn phủ, nó giống như mọi chiếc ché khác. Đây là loại ché to, cao cỡ ngang ngực người, màu da lươn thông thường. Một con gà do chúng tôi mua được làm thịt để cúng, báo với Giàng rằng có người lạ xem ché. Tiết gà được cắt trực tiếp vào ché mấy giọt, còn lại hứng vào đĩa. Lòng gan mề tim phổi... mỗi thứ một ít cùng với tiết trong đĩa bày bên ghè rượu. Chủ nhân cúng bằng tiếng Giarai đại loại là hôm nay có khách là các nhà báo, nhà văn hoá... đến thăm ghè. Có tí rượu, tí thịt cúng ghè để ghè chứng giám... Phải khoảng hai giờ đồng hồ chúng tôi mới tới gần được chiếc ché cổ. Thế nó có gì lạ? Thứ nhất là nó cổ. Thì hẳn là cổ rồi. Theo chủ nhân của nó nói thì chiếc ché này đã truyền qua 15 đời, đến đời anh đang sở hữu là thứ 16. Thứ hai là nó đắt, có người đã trả đến 50 con trâu trắng vào thời điểm cách đây hai chục năm. Thứ ba là nó thiêng. Cũng chủ nhân của nó cho biết, mỗi tháng anh phải cho nó ăn... tiết gà 3 lần. Thế công dụng của nó. Cũng theo chủ nhà, nó có thể báo trước những điều sắp xảy ra trong gia đình, trong dòng họ bằng cách đổi màu đỏ như máu. Tôi ghi là màu đỏ như máu nhưng chủ nhà nhất quyết là nó chảy máu. Năm 1975, vào đầu tháng 3, khi mà Plei ku chuẩn bị được giải phóng, đường 25 tức đường 7 trở thành đường máu, chiếc ché này đã đổi màu suốt một tuần liền. Sau đấy mấy năm, lúc bố anh chuẩn bị mất một cách đột ngột, nó cũng đổi màu như thế. Trong làng có người đau ốm, đến cúng, sẽ khỏi? Trẻ em khóc về đêm, khóc ngằn ngặt, ai dỗ cũng không nín, làm cách gì cũng không ngủ, bế đến cho sờ vào tai ché, nín liền, ngủ ngon lành như chó con... Theo người nhà, thỉnh thoảng chiếc ché này còn... khóc như trẻ con, và chỉ khóc vào ban đêm. Những lúc ấy mọi người sợ lắm, lại làm gà cho ché ăn... tiết vì mọi người nghĩ rằng nó... đói...
          Tất cả những điều trên, chúng tôi chỉ... nghe kể. Còn hôm ấy thì toàn bộ công dụng cũng như sự huyền diệu của ché chúng tôi không được chứng kiến, đơn giản vì không có ai đau ốm để mà cúng, không có đứa trẻ nào khóc suốt đêm để mà bế nó đến cho nó sờ tai ché, và cũng không có sự kiện quan trọng nào sắp xảy ra để nó đổi màu đỏ như máu... Nhưng chủ nhân và dân làng thì rất thành kính và tin tưởng. Tiếc rằng vì lý do tín ngưỡng, chúng tôi đã không thể chụp ảnh được chiếc ché ấy, dù đã làm đủ mọi cách. Có khi nhờ thế, nó lại... bí ẩn hơn chăng? 
Ché này 30 trâu

 Ché này 25 trâu


Ché Prung và ché Chanr- một loại ché Tuk (Dok) của mí Đanh
          Người Tây Nguyên có những thứ gắn với cuộc sống của họ, song hành với họ trong suốt hành trình lịch sử, đến nỗi trở thành bản sắc của họ, thành một phần đời sống của họ, tưởng như là một trong cuộc sống của họ, thế mà lại té ra, không phải của họ làm ra, mà ché và chiêng là hai ví dụ cụ thể. Đây là hai vật dụng gắn bó hữu cơ mật thiết với con người Tây Nguyên. Nó từ yếu tố vật chất (là những vật dụng thông thường thiết yếu trong đời sống) trở thành yếu tố văn hóa, một loại văn hóa đặc biệt, trở thành bản sắc, thành những yếu tố gắn với đời sống tinh thần để nhân loại phải nghiêng mình thán phục. Chưa hết, từ đấy nó trở thành yếu tố tâm linh. Ché có thần và chiêng cũng có thần. Tôi đã từng chứng kiến những chiếc chiêng, bộ chiêng được cho là chiêng thần, và cũng được chứng kiến những chiếc ché được coi là có thần linh trú ngụ. Nó thiêng liêng thành kính đến mức mà để được xem nó, người ta phải cúng, phải làm lễ rất công phu, cẩn thận. Thế nên tôi đã rất hào hứng khi được giới thiệu ở nhà Amí Đanh ngay trung tâm xã Ia Mlá có hai chiếc ché cổ, một cái trị giá ba mươi con bò, tức bằng nửa con voi, tức khoảng một trăm năm mươi triệu, và một chiếc trị giá hai mươi con bò, khoảng một trăm triệu. Cái ché trị giá ba mươi bò tên là Prung và cái hai mươi bò tên Chanr. Ché này không biết có thiêng không nhưng rõ ràng là nó rất giá trị.  Hỏi mấy đồng chí lãnh đạo xã người Jrai rằng tại sao nó đắt tiền, bảo tại nó là ché Tuk (Dok), hỏi tại sao ché Tuk lại quý lại đắt thế thì... không biết. Như đã nói, ché và chiêng đều không phải do người Tây Nguyên bản xứ làm ra. Nó là do người Kinh, người Lào... làm. Chiêng Lào cũng là một loại chiêng quý, nhiều khi được sánh ngang voi trắng, và nó cũng là nơi thần linh trú ngụ. Ngoài ra nó chính là tiếng nói của con người gửi đến Giàng, đến thần linh. Ché cũng thế, tôi đã nghe đồn có những cái ché rất thiêng, có thể dự báo được những điều sắp xảy ra với gia đình, với làng, trẻ con khóc đêm nhiều quá, mang đến cúng nó sẽ hết khóc... thì là lời đồn thôi, những lời đồn bí ẩn trong đời sống dân gian. Lời đồn mặt nào đó nó là mê tín, làm rối loạn xã hội, nhưng về mặt nào đó, nó tăng thêm cho đời sống một bức màn bí ẩn, nó tăng thêm dư vị, với văn hóa, đặc biệt văn hóa truyền thống, nó như một lực hút khiến sự kiện, nhân vật thêm huyền bí, củng cố niềm tin, tất nhiên là những niềm tin hướng thiện, hướng mỹ, thì cũng nên cho nó có đất tồn tại để cuộc sống thêm thi vị. Nó như hàng ngàn năm nay chúng ta nghe bài thơ Thần: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư với biết bao huyền thoại về nó, và chính huyền thoại ấy làm chúng ta tự hào với Tổ quốc, với cha ông hơn, chúng ta thấy nó vẫn luôn luôn mới cho đến hôm nay...

2. Bí ẩn bạch tượng
          Thì Tây Nguyên là thế, bên cạnh những cái đã hiện hữu, đã lồ lộ... vẫn còn một thế giới của những huyền thoại, những mảng tối sáng lẩn quất đan cài, làm nên sự vi diệu của đời sống. Có điều là, không phải những huyền thoại của quá khứ, mà nó cứ song hành cùng từng bước đi của hiện tại. Chuyện con voi của vua Bảo Đại là một ví dụ nữa. Sinh thời, vị cựu hoàng đẹp trai và ga lăng này có một con bạch tượng rất quý. Người ta không kêu nó là voi mà phải kính cẩn gọi là ngài. Ngài có một cặp ngà rất đẹp (tất nhiên, vì thời ấy nuôi voi người ta chưa phải cưa ngà đi vì sợ "săn tặc" như bây giờ), nhưng cái khiến ngài càng lộng lẫy sang trọng hơn là ở cổ chân ngài, thay vì được đeo xích sắt, ngài phải mang một sợi dây chuyền bằng vàng nặng có... 7 ki lô gam. Tương truyền sau khi cách mạng tháng 8 thành công, cựu Hoàng không còn điều kiện tiêu khiển nữa, các khu biệt thự ăn chơi tại Dalat bị bỏ hoang, ngài cũng bị lơ là. Một hôm ngài nổi giận, quật tan tành anh nài xấu số và bỏ vào rừng. Từ đó ngài trở thành đối tượng săn đuổi của bọn săn tặc. Chúng rình ngài ở mọi chỗ mọi nơi. Có hẳn cả những kế hoạch được lập, những băng đảng được hình thành, những bản đồ chi tiết tần xuất ngài xuất hiện... Nhưng ngài vẫn biệt tăm, và những con người gian ác kia vẫn đang đêm ngày mất ngủ về ngài. Họ mất ngủ vì thảng hoặc trong dân gian tin ngài về lúc ở chỗ này, khi ở chỗ nọ vẫn râm ran. Chao ơi, một cặp ngà bạch tượng (nghe đâu trên thế giới hiện nay, voi trắng đã được ghi tên vào sách đỏ) với 7 kí lô vàng bảo chứng thì quả là mơ ước của không ít người. Lạy trời nếu ngài thật sự linh thiêng thì mong ngài tránh xa chốn hòn tên mũi đạn của bọn bất nhân vẫn đang hàng ngày hàng giờ nung nấu ý định được... gặp ngài kia. Hoặc có linh thiêng nữa, ngài làm một mạch về thẳng Thảo cầm viên để nhân dân lương thiện có dịp ngắm ngài và quốc khố có thêm bảo vật 7 cân... Gần một trăm năm rồi, nếu còn, ngài cũng đã lên lão...
Dây thừng bằng da bò tót dùng để bắt voi rừng

Chú voi con này chết rồi vẫn còn được con người tận dụng nhồi bông để làm du lịch

3. Bí ẩn văn hóa... tặc
          Cũng bí ẩn như thế là tin về số phận của những người buôn tượng nhà mồ. Cánh Văn hoá tặc này thường có những cái chết bất đắc kỳ tử rất hoang đường. Đồn  rằng, tượng mồ là do những con người rất bình thường, nhưng được Giàng nhập vào sai khiến cho làm. Vì thế nó rất thiêng. Về nghệ thuật, thì chỉ bằng chiếc rìu và cây gỗ, tượng nhà mồ đã khiến nhiều nhà điêu khắc tài danh kinh ngạc. Giáo sư Từ Chi (thời còn sống), PGS tiến sĩ Ngô Văn Doanh cùng rất nhiều nhà nghiên cứu uyên bác khác đã bỏ ra rất nhiều công sức để nghiên cứu tượng mồ. Còn tâm linh, nó chính là chiếc cầu nối giữa người đang sống trên mặt đất với những người đang hiện hữu trong nhà mồ kia... thế mà ăn trộm nó, buôn bán nó như mớ rau con cá... Giàng bắt chết là đúng rồi. Chết để đứng thay thế vào chỗ tượng mồ bị lấy cắp kia. Một Văn hoá tặc đã kể cho tôi vanh vách tên những kẻ bị bắt, bị đứng thay thế tượng mồ kia, nhưng vì lý do tế nhị, tôi không ghi ra đây, kể cả những người đang dở sống dở chết. Có một điều tôi chứng kiến, ấy là chưa bao giờ tôi thấy các nhà nghiên cứu tượng mồ vừa kể trên kia đem một pho tượng nào ra khỏi nơi chúng trú ngụ, dù tôi chứng kiến sự thích thú đến mụ mị, cũng như sự tiếc rẻ đến quặn thắt của họ khi biết chắc chắn chúng sẽ hỏng rất nhanh ở điều kiện tự nhiên trong khu nhà mồ...

4. Bí ẩn người rừng
          Khoảng năm tám ba tám tư gì đó của thế kỷ trước, tại hội trường 2/9 thành phố Pleiku có một cái hội thảo rất lớn do phó chủ tịch HĐBT Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo, hội thảo về... Người rừng.
          Lâu nay tôi cũng có nghe và tưởng nó ở thế kỷ nào, ở vùng xa lăng lắc nào, đến khi được trực tiếp dự hội thảo cùng các nhà khoa học đầu ngành, cả khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, thì tôi... hoảng.
          Tôi được xem những bài báo nước ngoài nói về việc có một lính Mỹ, trong cuộc tham chiến ở vùng Sa Thầy, Kon Tum có bắt được một người rừng, cao trên 2 mét, nặng khoảng 2 tạ. Xác người rừng được tập kết tại sân bay Sạc Ly, Đắc Tô rồi máy bay từ Sài Gòn ra võng về. Nói võng về bởi người rừng được đặt nằm trong võng, cột chặt, rồi đeo vào máy bay. Từ Sài Gòn cái xác này được đưa về Mỹ và người lính MỸ này xử lý xong thì... bán vé. Nghe nói người vào xem nườm nượp.
          Còn tại hội thảo, các nhà khoa học chỉ ra rất nhiều chứng cứ rằng hiện đang có ít nhất một người rừng đang sống trên đỉnh Ngọc Linh (thuộc tỉnh Kon Tum bây giờ) cao vút quanh năm mờ sương. Giáo sư Trần Hồng Việt ở đại học sư phạm Hà Nội trưng ra một dấu chân mà ông chụp ảnh được ở đèo Ngọc Vin sau cơn mưa. Dấu bàn chân dài khoảng 30 cm, rộng gần 13 cm (tương đương cỡ giày 55-60). Căn cứ vào dấu chân trên nền đất, người ta thấy lòng bàn chân người rừng lõm rất sâu, đặc điểm mà theo các nhà khoa học là rất phù hợp với điều kiện leo núi. Dấu chân này hình như sau đấy đã được đổ thạch cao. Đây rất có thể là bằng chứng cho thấy trong những cánh rừng đại ngàn của miền nam Việt Nam, người rừng vẫn còn sống! Không những thế, đây còn là một loài rất cổ, thậm chí trước cả người Neanderthal, loài người sống cách chúng ta từ 25.000 đến 30.000 năm. Chưa hết, một số nhà khoa học và bộ đội khác còn chụp ảnh những cành cây ở cao trên 2 mét bị bẻ gẫy ở nơi mà chưa hề có dấu chân người cũng trên đỉnh Ngọc Linh này. Hồi ấy phương tiện đi lại, tác nghiệm còn rất thô sơ nên nhiều chứng tích của các cuộc điền dã đã bị bỏ qua. Tôi nhớ một vị chủ trì hội thảo thông báo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông báo, nếu phát hiện người rừng ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải báo ngay cho đại tướng, và ông sẽ cho máy bay tiếp cận ngay...
5. Vẫn còn bí ẩn:
          Thành phố Pleiku khi tôi ngồi gõ những dòng này chan hoà màu vàng ánh điện cao áp. Ngược lên, Trường Sơn thăm thẳm xanh màu bí ẩn. Hôm qua lại vừa có tin người ta phát hiện một dấu chân khổng lồ trên đỉnh Ngọc Linh. Thì đã chẳng từng có một kế hoạch rất lớn nghiên cứu về người rừng ở Trường Sơn đấy sao?...
          Và xin nói luôn, những bí ẩn này sẽ cứ mãi là bí ẩn, có thể có thật, có thể không, và có lẽ nhờ thế mà cuộc sống chúng ta thú vị hơn chăng?...

                                                                                      V . C . H

1 nhận xét:

Trần Tuấn Kiệt nói...

Nhờ Anh Văn Công Hùng chuyển bài này dùm em tới kính tặng Bác Lê Huy Mậu (Hic vì em không có địa chỉ liên lạc với Bác Lê Huy Mậu. Thanks!

http://blog.yume.vn/xem-blog/sang-tac-bai-ca-co-moi-khuc-hat-song-que.ankhanhct.35D0EB77.html