Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

NÓI VU VƠ VỀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC MIỀN TRUNG TÂY NGUYÊN

Phải gọi là "nói vu vơ" không lỡ có bác phê bình hoặc bác... không phê bình nào đó nóng máu lên vặc cho mấy nhát lại chả oan gia, chả thân bại danh liệt. Bây giờ có nhiều ranh giới nhập nhoà, cứ phải là cẩn thận...


 Cho đến bây giờ, tính một cách sòng phẳng, lực lượng phê bình văn học ở dải đất miền trung Tây Nguyên có thể đếm chưa hết một bàn tay.
          Có rất nhiều lý do để phê bình văn học có cảm giác như đang đi sau sáng tác. Một thời phong trào phê bình rất sôi nổi khắp trong Nam ngoài Bắc. Hàng loạt cây bút, hàng loạt tên tuổi, không khí sôi nổi, làm văn đàn cứ tưng bừng như sắp sửa có tác giả Nobel xuất hiện.
          Thời gian trôi, các nhà phê bình rút dần về nghiên cứu giảng dạy. Rất nhiều các nhà khoa học xã hội trẻ, những thạc sĩ, tiến sĩ văn chương chủ yếu là làm nghiên cứu và lý luận, đồng thời là giảng viên của các trường đại học, cao đẳng. Mà có một hiện tượng là hiện nay các trường cao đẳng và đại học như những lâu đài... ngủ quên, họ dạy cho sinh viên nhiều thứ, trừ dòng chảy văn chương đương đại. Điều này nếu xảy ra ở cấp phổ thông trung học thì khả dĩ còn phải buộc chấp nhận, nhưng ở bậc học cao hơn thì là tình hình đáng lo ngại. Lỗi này do ngành giáo dục, nhưng cũng do sự khiếm khuyết phê bình trong dòng chảy văn chương hôm nay. Cũng xin nhắc thêm một điều, những công trình, tác phẩm (tính bằng đầu sách) của các nhà nghiên cứu miền Trung Tây Nguyên hôm nay chủ yếu là các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ (xuất hiện rất nhiều trong mấy năm gần đây) được xuất bản, mà các luận văn này thì cũng phải thành thực với nhau, không phải cái nào cũng toàn bích. Nó mang yếu tố kinh viện nhiều hơn, lý luận nhiều hơn, chủ yếu là để... bảo vệ thành công luận án- cũng y hệt như con cháu chúng ta hiện nay đi học là để... thi chứ không phải vì kiến thức- (chưa kể rất nhiều luận án mua, luận án chạy mà báo chí phản ánh rất nhiều), và sau này in ra chủ yếu vì lý do để lấy điểm vào hội nào đó và là vì mấy năm gần đây có tiền tài trợ của nhà nước cho các hội Văn học Nghệ thuật xuất bản các tác phẩm văn học nghệ thuật.
          Có thể nhận diện phê bình Miền Trung Tây Nguyên hôm nay như sau:
          1. Nền phê bình điểm sách, nếu có thể gọi như thế là "nền". Phần lớn các tờ báo đều có mục này, mỗi tỉnh thường có vài vị có thể là người sáng tác, hoặc là các biên tập viên của bản báo ấy. Mỗi khi trong tỉnh có tác giả ra sách thì họ viết, thường là một cách rất sơ sài, khoảng dăm bảy trăm chữ, vừa là do trình độ chỉ đến thế, vừa là do đất ít. Mà viết ngắn thế nào đã yên, còn qua khoảng 5 tay biên tập, mỗi tay xẻo một ít theo gu của mình, cuối cùng nó dài hơn cái tin một chút. Cũng có thể đấy là mục "trên giá sách của bạn" với cũng cùng kiểu viết và in như trên.
          2. Nền phê bình "bình thơ". Các báo thường có mục "đến với bài thơ hay", và thường là do các nhà thơ được mời đảm trách. Đây là một cách mở rộng biên độ tưởng tượng, định hướng thẩm mỹ cho người đọc. Kiểu viết này, cũng như kiểu viết trên, thường là khen ngút ngàn, không chê, hoặc có chê cũng chỉ chiếu lệ, kiểu "Tuy vậy..." sau khi đã tràng giang đại hải vẽ rồng vẽ rắn.
          Hai "nền phê bình" này phụ thuộc vào các tờ báo Đảng địa phương. Dài hơi hơn là các bài giới thiệu sách, gần hơi hướng phê bình hơn, đăng trên các tạp chí Văn Nghệ. Tuy thế, chất lượng không đồng đều, vì một điều đơn giản, không có người viết phê bình chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng là người đang phụ trách một tờ tạp chí văn nghệ địa phương, quả là vô cùng vất vả trong việc đặt bài cho mục này. Trao đổi với các đồng nghiệp trong khu vực, cũng nhận được sự sẻ chia tương tự. Và thực ra việc này không chỉ xảy ra ở miền Trung Tây Nguyên, mà nó diễn ra trên khắp cả nước, với cả những tờ báo lớn...
          Huế, một thành phố lớn, với nhiều trường đại học, một thời nổi lên Phạm Phú Phong, Hồ Thế Hà... Nay Phong gần như đã gác bút chuyên tâm giảng dạy báo chí, Hà thành phó Giáo sư tiến sĩ chuyên viết nghiên cứu. Đợt vừa rồi ra Huế, thấy có một câu lạc bộ "Những người làm phê bình trẻ" với các thành viên đều còn rất trẻ, như Trần Huyền Sâm, tiến sĩ ngữ văn là một trong những tiến sĩ trẻ nhất của đất thần kinh, làm chủ nhiệm CLB, Phan Tuấn Anh, thạc sĩ văn chương sinh năm 1985 và hàng chục anh chị em cán bộ giảng dạy trẻ của các trường đại học trên địa bàn. Quy Nhơn cũng có một trường đại học đào tạo nhiều sinh viên ngữ văn sư phạm nhưng số người viết phê bình chuyên nghiệp hầu như không có. Các giảng viên đại học ở đây gần như vắng bóng trên văn đàn. Phú Yên một thời có tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Thị Thu Trang ở đại học Phú Yên nhưng rồi vì nhiều lý do chị cũng gác bút lo giảng dạy. Đà Lạt có phó giáo sư tiến sĩ Phạm Quang Trung là nhà phê bình chuyên nghiệp. Anh viết nhiều, nhưng những bài đọc được của anh lại là về lý luận, anh coi phê bình chỉ là việc viết thêm cho vui. Đà Nẵng và Quảng Nam, Quảng Ngãi có đến mấy trường đại học nhưng những người viết phê bình cũng vắng như lá mùa thu, nếu không muốn nói thẳng là khó tìm ra một cái tên mà điểm danh. Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông... cũng tương tự. Cả khoa văn của trường Cao Đẳng sư phạm Gia Lai không có ai là hội viên hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, dù hội này có nhiều mời mọc và tạo điều kiện. Quảng Bình mới đây xuất hiện một thạc sĩ trẻ viết phê bình rất có triển vọng là Hoàng Đăng Khoa công tác tại Tạp chí Nhật Lệ. Còn lại là... các nhà văn nhà thơ viết phê bình, những là Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Khắc Thạch (Huế), Thanh Quế (Đà Nẵng), Thanh Thảo (Quảng Ngãi), Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang (Bình Định), Lê Khánh Mai (Khánh Hòa)... bản thân tôi cũng nhiều lần làm việc này khi mà tờ Tạp chí tôi phụ trách cần bài, hoặc khi có một tờ báo nào đó đặt bài về những vấn đề trong khu vực mà mình biết.
          Có một thực trạng là các nhà phê bình chúng ta hiện nay không đồng hành cùng sáng tác, cùng tác giả, mà luôn ở tâm thế đứng cao hơn người sáng tác nên khi viết họ thiên về căn dặn phủ dụ và hạch hỏi. Người phê bình đúng là phải cao hơn người sáng tác một tầm về tri thức, sự bao quát, và cả sự nắm vững tính quy luật của văn chương và tâm lý sáng tạo... nhưng khi viết anh phải là người đồng hành, phát biểu bằng tri thức của mình để chia sẻ với tác giả và tác phẩm, chỉ ra những quy luật vận động của đời sống văn chương và cả sự phát triển nội tại của tác phẩm. Còn các nhà văn nhà thơ khi viết phê bình thì lại thiên về xúc cảm. Họ mở rộng biên độ của bạn đọc bằng cảm xúc của họ khi tiếp nhận tác phẩm. Họ tìm ra được cái hay cái đẹp của tác phẩm nhưng chưa đi đến cùng để tìm ra các quy luật của văn học, của dòng chảy văn chương, và thực ra họ cũng không có trách nhiệm để làm điều ấy.
          Còn có một nền phê bình nữa, thường là không công khai lên báo chí, nhưng xuất hiện trong các cuộc họp, ấy là phê bình của các cơ quan quản lý như Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Văn hóa thể thao du lịch và vài cơ quan khác. Đây là việc làm bình thường của các cơ quan quản lý nhà nước đối với tất cả các hoạt động xã hội chứ không cứ văn chương nghệ thuật, nhưng nhiều khi nó cũng gây ra các hệ lụy khi mà các vị đại diện cho các cơ quan này có cách hiểu, cách làm "một mình một kiểu", như việc đã xảy ra ở Phú Yên. Báo Phú Yên in mấy bài thơ của tác giả Trần Huiền Ân và một tác giả nữa, bị ban Tuyên giáo thổi còi. Không chỉ thế, một loạt người liên quan bị kỷ luật, trong khi Hội đồng lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung Ương, Hội đồng thơ Hội Nhà Văn Việt Nam, vụ Văn Nghệ, vụ Báo chí Ban tuyên giáo Trung ương đều được mời thẩm định và đều khẳng định đây là những bài thơ tốt, chỉ riêng một vị có quyền là khẳng định nó... phản động. Hay việc tỉnh Bình Định đơn phương cấm cuốn "Trịnh Công Sơn bước chân dã tràng" của một thạc sĩ dạy đại học Quy Nhơn. Đúng sai của cuốn sách chưa bàn, nhưng rõ ràng tỉnh Bình Định đã làm vượt chức năng khi nó đã được xuất bản một cách hợp pháp. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa xảy ra vụ việc tương tự nhưng ở ngành hội họa. Toàn bộ hội đồng nghệ thuật gồm các họa sĩ có uy tín và có cương vị đã thẩm định nhưng cuối cùng đều thua... nơi cấp phép triển lãm. Kết quả, triển lãm bị đình sau khi đã chuẩn bị hoàn tất mọi mặt.
          Tất nhiên sẽ có người nói rằng, phải có một mặt bằng văn chương tốt mới có một nền phê bình phát triển. Nhưng ở phía ngược lại, tôi cho rằng, một nền phê bình lành mạnh, vì văn chương, sâu sát đời sống và dòng chảy văn chương đương đại sẽ xúc tác có lợi rất nhiều cho văn chương. Nó tạo không khí, mở ra các diễn đàn, thúc đẩy sáng tác. Một nền văn học phát triển không thể tách rời với nền phê bình chuyên nghiệp. Nó như hai mặt của một vấn đề, bởi phê bình không chỉ tác động tới văn chương, mà quan trọng hơn, nó hướng tới độc giả. Phê bình lúc này vừa là đối tượng để thưởng thức, vừa là đối tượng để nghiên cứu khám phá văn chương và tìm hiểu chính nó.
          Việc phê bình phát triển chưa tương xứng với sáng tác ở khu vực miền Trung Tây Nguyên rõ ràng là một khiếm khuyết, dẫu đầy yếu tố khách quan, nhưng nó cũng làm cho vùng đất này, dẫu tiềm năng tràn trề, đã từng là nơi hội tụ của nhiều văn tài cả nước từ xưa đến nay, giờ đang có nguy cơ trở thành vùng trũng của văn chương.
          Đáng lo thay.
                                                                 
                                                                             V. C. H

6 nhận xét:

Việt gốc nói...

Phá một vườn hoa dễ hơn chăm sóc nó, để hợp thức việc phá hoại này thì gọi nó là hoa thuốc phiện

Văn Công Hùng nói...

@ Việt gốc:
Thực ra hoa thuốc phiện rất đẹp.

Joseph : Phạm Minh Tâm nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
quan lang nói...

Vùng trũng thì có sao đâu bác. Nước chảy chỗ trũng mà. Em chỉ sợ nó là một gò bô-xit, cây cỏ quăn queo mọc, một mùa mù bụi một mùa trét trây.
Thương cho miền Trung Tây nguyên mình thiếu những nhà phê bình văn học nghệ thuật đi đến cùng với dòng chảy văn chương thì đúng quá rồi. Nguy lắm rồi, hỏng nhiều, hỏng khá lâu rồi !
Nhưng vì sao từ có về không, từ mạnh về yếu hay vì các bác có quyền dân trao với ấn kiếm bóp hấu bóp họng nhà phê bình ?
Phải hỏi Làm gì đây nhỉ, nếu không vùng trũng sẽ đầy bùn.

Văn Công Hùng nói...

@ Quan lang:
Hỏi tức là trả lời?...

quan lang nói...

Tít này nói những vu vơ,
Thì còm cũng chỉ lững lờ vậy thôi.
Chủ trang: hỏi tức giả nhời?
Thằng không tự vấn cả đời thong dong.
Biết rồi cứ hỏi, thưa ông,
"...Đừng xáo nước đục, đau lòng..."còm con.