Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

VĂN HÓA VÀ PHẢN VĂN HÓA

Mình đang ngồi (1,5 ngày) nghe báo cáo. Một ông lãnh đạo ngành văn hóa đang phát biểu. Huhu nghe muốn nổ cái đầu mà không hiểu gì. Bài này của mình có khi dễ hiểu hơn, vì thế nên post lên đây chào mừng... cái gì không biết.

"Sự can thiệp một cách máy móc, phản quy luật của chúng ta nhiều khi làm cho nền văn hoá truyền thống biến dạng. Và đây là những kẽ hở để kẻ địch lợi dụng. Vai trò ít ỏi còn lại của truyền thống, của tập tục, của các tác nhân tốt đẹp đã không đủ ngăn được sự mù quáng của hàng chục ngàn người tham gia vào các cuộc gây rối năm 2001 và 2004."...

          Theo thống kê thì hiện nay văn hoá truyền thống Tây Nguyên đang mai một, biến mất rất nhiều. Số lượng các nhà rông truyền thống, các dàn chiêng và đội chiêng, các nghệ nhân và các nghề thủ công truyền thống ở Tây Nguyên đang bị mai một ghê gớm. Trong khi đó thì một số tập tục cũ, thậm chí man rợ trỗi dậy, điển hình là hai vụ nghi ma lai và thư ở huyện Mang Yang và Chư Sê, dân làng đã giết 4 người vô tội vì nghi họ là ma lai, có thuốc thư... Bên cạnh đó, một số người lợi dụng các yếu tố này để xúi giục một bộ phận dân chúng làm bậy, gây mất ổn định xã hội.
          Nói đến văn hoá Tây Nguyên, không thể không nhắc đến cồng chiêng. UNESCO đã công nhận Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Thế mà tin lành Đề Ga lại xúi dân không chơi chiêng, đập bỏ chiêng. Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là trong đời sống văn minh hiện nay, khi mà các nhạc cụ hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều, càng rẻ và càng tiện lợi thì càng ngày cồng chiêng càng... được treo cất nhiều hơn, được chuyển đổi mục đích sử dụng như... mang bán chẳng hạn. Một số may mắn có giá trị thật sự thì được các tay mua đồ cổ sưu tầm cất giữ. Số kém hơn thì được cân đồng nát... Chiêng là môn nghệ thuật tập thể, có tính cộng đồng, cần phải đông người. Để có một cuộc chơi chiêng cần hội đủ 3 thành phần là người chỉnh sửa âm thanh (lên dây chiêng), người chơi chiêng và người xoang. Đời sống buôn làng bây giờ đã khác, nhanh hơn, gấp hơn, tính cá nhân đang lấn át tính cộng đồng. Nó phù hợp với sự phát triển của xã hội nhưng lại không phù hợp với... chiêng nói riêng và văn hoá truyền thống nói chung. Thêm nữa, bây giờ các nhạc cụ hiện đại như ghi ta, organ với tiết tấu nhanh, công năng nhiều, dễ sử dụng, có thể chơi mọi nơi mọi lúc. Rồi sự ảnh hưởng của đạo tin lành ở một bộ phận người Tây Nguyên khi nó xui họ không... chơi chiêng, đặc biệt trong các đám chết... làm cho cồng chiêng đang rời xa đời sống cư dân Tây Nguyên. Nhưng không phải vì thế mà có thể thay thế được chiêng trong đời sống cộng đồng, bởi nó không còn chỉ là yếu tố vật chất, mà nó chính là một phần đời sống tinh thần của người Tây Nguyên với vai trò lưu giữ, kết dính, giữ sự công bằng, kết nối cộng đồng, neo giữ phần trong trẻo tốt đẹp nhất trong tâm hồn người Tây Nguyên phù hợp với điều kiện và môi trường sống của họ.
          Nhưng nguy cơ mai một cồng chiêng trong đời sống cư dân Tây Nguyên là có thật. Theo thống kê của sở Văn hóa Thông tin Gia Lai thì trước năm 1980, cả tỉnh có hàng chục ngàn bộ cồng chiêng ở các buôn làng. Có nhà sở hữu hai ba bộ chiêng. Mỗi làng có hàng chục bộ (Làng Tây Nguyên chỉ vài chục, thậm chí một chục, nóc nhà). Đến năm 1999 thì chỉ còn 5117 bộ. Năm 2002 còn chưa đầy 3000 bộ. Và bây giờ thì con số ấy còn ít hơn nữa. Cũng tỉnh Gia Lai đang có một chủ trương là sẽ mua tặng cho mỗi làng một bộ chiêng. Vấn đề là giao cho ai giữ bộ chiêng này, bởi không khéo sẽ là “cha chung không ai khóc”. Rồi chất lượng, giá trị của bộ chiêng ấy ra làm sao?
          Đang có một hiện tượng là có một số tác giả và tác phẩm văn học, báo chí nhìn Tây Nguyên tương đối hời hợt và sai lệch. Họ khai thác Tây Nguyên ở khía cạnh lạ và lạc hậu. Họ không sống đời sống của Tây Nguyên mà cưỡi ngựa xem hoa và “nghe kể”. Và như thế, những đánh giá và nhận xét, những miêu tả và cảm xúc của họ là chưa tương thích với những gì đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên mảnh đất này. Người ta hô hào nhiều về việc bảo vệ và giữ gìn bản sắc dân tộc, nhưng thực sự bản sắc dân tộc là gì và bảo vệ giữ gìn nó như thế nào không phải ai cũng trả lời được một cách thấu đáo và có sức thuyết phục. Rồi cái gì bảo vệ, cái gì giữ gìn, cái gì phát huy, cái gì loại bỏ... hiện nay các ý kiến cũng rất vênh nhau. Ai cũng biết, lễ hội Tây Nguyên là các hoạt động tự thân. Ở đó con người hoà nhập vào cộng đồng, vào thiên nhiên, trải lòng mình ra trước thế giới thần linh với một tâm thức thấm đẫm đức tin và những điều huyền diệu mà họ đang cầu xin và tận hưởng. Những người tham dự lễ hội không phải để tham quan thưởng thức mà là thực thi bổn phận của mình. Và chính khi thực thi bổn phận của lễ mà hội xuất hiện. Ngày nay chúng ta tổ chức các lễ hội trên sân khấu và nghệ nhân trở thành diễn viên liệu có thuyết phục? Cũng như thế việc ồ ạt hiện đại hoá nhà rông liệu có phải là phương án khả thi? Sự can thiệp một cách máy móc, phản quy luật của chúng ta nhiều khi làm cho nền văn hoá truyền thống biến dạng. Và đây là những kẽ hở để kẻ địch lợi dụng. Vai trò ít ỏi còn lại của truyền thống, của tập tục, của các tác nhân tốt đẹp đã không đủ ngăn được sự mù quáng của hàng chục ngàn người tham gia vào các cuộc gây rối năm 2001 và 2004. Nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương đã từng phê phán gay gắt lối làm nhà tái định cư cho đồng bào theo kiểu nhà hộp, vô cảm, vô hồn, vô bản sắc khi ông lên thăm khu tái định cư thuỷ điện plei Krông ở Kon Tum năm kia. Truyền thống văn hoá buôn làng với tất cả tập tục tốt đẹp ngàn đời, nếu chúng ta biết bảo tồn và phát huy nó, sẽ có tác dụng rất lớn trong việc giữ ổn định và khơi dậy tiềm năng to lớn của nhân dân.
          Và như thế, rõ ràng không thể áp đặt, không thể cưỡng quy luật, cưỡng thực tại khách quan để phát triển bằng mọi giá...
                                                                                     

12 nhận xét:

Việt gốc nói...

Người không chỉ hài hòa với nhau như nam với nữ mà với cả trời đất thiên nhiên cũng như vậy. Nhưng bây giờ nó thích lên thì nó đâm một phát, bốc một cái chứ có mấy người nghĩ đến hài hòa

Văn Công Hùng nói...

@ Việt gốc: Như đồng chí Nguyễn Trường Tô của chúng ta ấy nhẩy?

Nguyễn Minh Tuấn nói...

Aí chà, khỏe thế bác? Nhà mới mà đã có đủ món rồi, chỉ còn đợi người nhậu nữa thôi, hi hi!
Đã tìm con Bin mới cho Bác gái chưa bác?

Bò Sát Đất nói...

Điều này,nếu bây giờ mới biết là quá muộn!

Biết trước mà bây giờ mới nói thì cũng đã muộn, nhưng dù sao vẫn còn hơn không nói!

Còn nước còn tát!

BSD.

Văn Công Hùng nói...

@ Nguyễn Minh Tuấn:
Đã tìm được một con Bin mới, rất xinh và nhỏ xíu. Nhưng vẫn rất tiếc con Bin kia.

Văn Công Hùng nói...

@ Bò sát đất: Thôi thì, còn nước còn tát chứ biết làm sao. Vấn đề là có ai nghe mình nói không? Mình đã nói những điều này (và nhiều điều nữa) hơn hai mươi năm nay rồi cơ.

Việt gốc nói...

Bác nói được từ hơn 20 năm trước đến nay! vậy là lâu già đấy và khéo nói nên vẫn còn nguyên vẹn

Nặc danh nói...

1/ He he anh viết về văn hóa tây nguyên thì miễn bàn rồi!
2/ Hơ hơ ... Tấm hình tư thế giao hợp đứng từ phía sau rất nhân văn. Người phụ nữ đang mang thai nên để tránh ảnh hưởng đến em bé thì tư thế này là khoa học nhất. Nếu em không nhầm thì đây là tấm hình trong tập "Tượng Gỗ Tây Nguyên" của cố Nhạc sỹ Đào Huy Quyền.
3/ Cu Bin có tung tích chi không anh? Thôi cứ nhủ nó sẽ được đầu thai làm một thằng con trai nhà giàu ở phố núi với vô số chân dài reo quanh, còn hơn là kiếp chó bị hoạn suốt ngày cô đơn ru rú không đồng loại bạn bè.
(Cu Theo)

Văn Công Hùng nói...

Bác nói được từ hơn 20 năm trước đến nay! vậy là lâu già đấy và khéo nói nên vẫn còn nguyên vẹn
--------
@ Việt gốc: Có lẽ thế. Ơn trời vẫn vẹn nguyên

Văn Công Hùng nói...

@ Cu Theo:
- Chú cứ khen anh, ngượng chết.
- Bin không tung tích chi, chắc đang bị nhốt dưới một cái hầm ngầm ở nhà bọn trộm chó chờ ngày tiêu thụ. Nghĩ đến là điên lên. Hôm nay đã xin được một Bin em rồi, rất xinh và ngoan.
- Đúng là ảnh của ĐHQ chụp ở Chư Pah, in sách rồi. Hồi ấy tớ cũng thấy cái này nhưng chưa có máy, với lại chưa máu như bây giờ.

quan lang nói...

Vâng, nhưng vẫn chỉ là một phía, bác VCH ạ. Chỉ khi nào ta hòa vào được với máu thịt Tây nguyên, hồn phách Tây nguyên,...thì không bị nhà tuyên văn ráo gây nhức đầu. Hết sức thông cảm, thông cảm, ặc ặc.
Lúng túng như úp thúng che... Hì hì !

Văn Công Hùng nói...

@ Quan Lang:
huhu...